Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 19 tháng 7, 2010

Đoạn sông ngắn với những vụ án oan “động trời”…

TTO - Theo các chuyên gia môi trường hàng đầu thế giới, băng tan do biến đổi khí hậu trên dãy Himalaya và cao nguyên Thanh Hải - Tây Tạng đang đe dọa các con sông lớn ở châu Á, và có nguy cơ dẫn đến một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Sông Đuống kỳ tích và kỳ ảo cả đôi bờ, cả trong trận mạc xưa lẫn trong ngun ngút thơ văn. Nếu thi sỹ Hoàng Cầm tiếp tục “anh đưa em về Sông Đuống”, con sông nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ ấy, thì bây giờ vẫn cứ gặp ở ven sông cả cái Bốt Hồ xám ngoét, sừng sững, tang thương tội ác quân thù, kiểu “lưỡi dài lê sắc máu”. Thuyền bè tấp nập, làng mạc tre pheo, nương dâu mướt mát, đúng là con sông đang chảy nghiêng. Nó chảy nghiêng bởi sức nặng của bao nhiêu oan khiên trong sử cũ đã oằn mình trải dọc đôi bờ! Tôi đã nhiều lần lang thang dọc các triền dâu ở miền đất mỗi bước chân mỗi huyền thoại Kinh Bắc, nơi kỳ lạ, chỉ một khúc ngắn độ chục cây số của sông Đuống, ta đã vấp phải tới 3 vụ án oan động trời trong sử cũ.

Đây là vụ Trạng nguyên đầu tiên của Việt Nam, Thái sư Lê Văn Thịnh bị lưu đày mãn kiếp vì cái “án oan” giết vua; đây vị Sao Khuê vằng vặc Nguyễn Trại và người đẹp Thị Lộ cùng kinh thiên động địa nỗi oan khiên mang tên “Lệ Chi Viên”; và đây nữa vụ án Cao Lỗ Vương giúp An Dương Vương xây thành Cổ Loa rồi bị Vua nghe lời xấu của gã rể gián điệp Trọng Thủy mà hắt hủi một bề tôi trượng nghĩa; đây nữa... và đây nữa.Người mải chuyện sách sử thường gọi khúc sông Đuống đẹp mà buồn này là “đoạn sông của những án oan”. Có phải chỉ là ngẫu nhiên? Có phải đọc lại các án oan diễn ra nhiều thế kỷ trước chỉ như mở lại một trang sách ố mọt? Tôi nghĩ là không phải thế. Hệ thống di tích độc đáo, những câu chuyện truyền khẩu thấu triệt lẽ đời, sự minh định lịch sử đầy tâm huyết của các bậc trí giả nhiều đời qua và cả hôm nay sẽ dẫn chúng ta đến một cái nhìn xúc cảm hơn, đầy đủ hơn, mới mẻ hơn và khách quan hơn về những án oan kia. Vả lại, trải nghiệm với thực địa ở “khúc sông oan khiên”, ngẫm lại từng tình tiết của các án oan mà nạn nhân bao giờ cũng các anh hùng cái thế, mỹ nhân “thiên cổ sầu” lững lẫy trong lịch sử kia, thường thì nó sẽ đem cho chúng ta nhiều điều bổ ích, thấm thía hơn là những trang sử không sóng gió.
Câu chuyện của chúng tôi, xin bắt đầu bằng pho tượng đã độc nhất vô nhị. Một pho tượng rợn người, rợn lên cái niềm cay đắng “tài mệnh tương đố” của trạng nguyên đầu tiên của Việt Nam, bậc Thái sư với bao chiến công hiển hách: Lê Văn Thịnh.

Bài 1: Cụ rồng kỳ lạ: “miệng cắn thân, chân xé mình” !

Bức tượng đá cao cả 1m, rồng dữ cắn phập vào thân mình, tay chân xé cơ thể mình, thật rợn người.
Ảnh: Lãng Quân

Đi dọc sông Đuống mãi, lần nào tôi cũng đọc nhẩm thơ “Bên kia sông Đuống” với “Ngày xưa cát trắng phẳng lỳ”; “Sông Đuống trôi đi/ Một dòng lấp lánh” (thơ Hoàng Cầm, được in trong sách giáo khoa, đã và đang giảng dạy trong nhà trường), giờ ngồi lại với các cụ già, mới giật mình, sông Đuống là một con sông đào. Mà nó chỉ dài có khoảng hơn 60km, chạy từ ngã ba Dâu của huyện Đông Anh (Hà Nội), chảy tuột sang mấy cái huyện bé xíu của tỉnh Bắc Ninh, rồi nhập vào sông Thái Bình, kết thúc đời sông ở ngã ba Mỹ Lộc (huyện Lương Tài, Bắc Ninh). Con sông ngắn ngủi thế, chỉ nối sông Hồng với sông Thái Bình tí ti thôi, mà nó đã phải cõng lịch sử Thăng Long văn vật và Kinh Bắc hào hoa, với mật độ di tích văn hóa lịch sử dày đặc vào hàng quán quân trong cả nước, với địa linh và rất nhiều nhân kiệt…

Kể từ hơn 900 năm qua, có thể nói không ngoa, là Trạng nguyên Lê Văn Thịnh là thần tượng về sự học của giới chữ nghĩa mọi thời đại. Một cái đầu kinh bang tế thế. Căn nhà nơi ông từng sống và vượt vũ môn hiển đạt, sau khi cụ mất thì “hóa gia vi tự”, nơi ở thành nơi thờ tự. Nếu tính từ thời vua Lý Nhân Tông (1072-1127) mở khoa thi minh kinh bác học (cuộc thi Nho học) đầu tiên của nước ta (cũng là khoa thi đầu tiên từ khi Văn Miếu Quốc Tử Giám được lập ở Thăng Long!), khi mà “khóa sinh” Lê Văn Thịnh đỗ đầu (năm 1075), đến nay cũng đã hơn 900 năm trôi qua! Khởi đầu, Lê Văn Thịnh được vào dạy học cho vua, sau ông được giữ chức thị lang bộ binh rồi thăng dần lên đến chức Thái sư của triều đình, có nhiều công trạng hiển hách trong việc xây dựng quốc thái dân an, mở mang và bảo vệ bờ cõi.
Người ta gọi ông Lê Văn Thịnh là trạng nguyên khai khoa của cả mênh mông lịch sử dân tộc. Bằng chứng là nhân vật khổng lồ Lê Văn Thịnh và những câu chuyện về ông, đã được "Đại Việt sử ký toàn thư" và cả "Kiến văn tiểu lục" của Lê Quý Đôn rồi đến "Lịch triều hiến chương loại chí" của Phan Huy Chú, "Việt Nam sử lược" của Trần Trọng Kim ghi chép rành rành. Trạng nguyên đầu tiên của nước ta đã xuất hiện mùa xuân năm Ất Mão (1075), là người xã Đông Cứu, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh ngày nay.

Đến năm 1096, Thái sư, Trạng nguyên Lê Văn Thịnh uy danh lừng lẫy thiên hạ, bỗng dưng bị vướng vào một “nghi án” khó tin như một giấc mộng và bị khép tội thí nghịch giết vua, xét công trạng và tài năng quá lớn của Lê Văn Thịnh, vua ân giảm xuống kiếp lưu đày.

Có sách viết ông bị biếm lên vùng ma thiêng nước độc Sông Thao, tỉnh Phú Thọ ngày nay. Có sách viết ông bị đưa đến với sơn lam chướng khí độc địa (xưa kia) của xứ Thanh Hóa ngày nay. Gần 10 thế kỷ qua, nghi án Lê Văn Thịnh cứ treo đó, thách thức bao nhiêu triều đại, bao nhiêu bậc quốc sỹ liên tài. Đã có nhiều tác phẩm viết về nghi án này (cũng như nghi án Lệ Chi Viên với các nạn nhân Nguyễn Trãi, Thị Lộ, sẽ được viết ở phần sau). Thậm chí, ngay cả đại kịch gia Tào Mạt, cũng từng viết một vở kịch về quốc sư Lê Văn Thịnh mang tên “Lý Nhân Tông kế nghiệp”, dẫu được hưởng ứng ở nhiều nơi, nhưng nó khiến người ở cái làng đã sinh ra Lê Văn Thịnh phẫn uất đến tận bây giờ. Họ không bao giờ tin và cho phép ai tin rằng Lê Văn Thịnh đã giết chú hề già, đã làm gián điệp đưa quân Tống vào bán rẻ đất nước (như Tào Mạt viết kịch). Lý do: chưa bao giờ, suốt gần một thiên niên kỷ qua, Trạng nguyên Lê Văn Thịnh không là niềm tự hào của người dân xã Đông Cứu và bà con vùng Kinh Bắc. Với bà con ở nơi thôn ổ (người của muôn đời), Lê Văn Thịnh là một vị thánh được trời đất hun đúc sinh ra, để an dân giúp nước. Ông đã bị sự hẹp hòi, ti tiện hãm hại. Cái chết oan khiên của ông, chỉ càng làm sáng lên cái khí thiêng của vùng địa linh nhân kiệt miền Kinh Bắc. Mà sự thật là, án oan Lê Văn Thịnh nó huyền hoặc, ma quỷ, phù phép đến mức chả ai tin được, như chuyện Lê Văn Thịnh hóa thành hổ để giết hại vua trên hồ Dâm Đàm (Hồ Tây). Tuy nhiên, vua đã định khép tội, thì dĩ nhiên Lê Văn Thịnh phải chịu và phải gánh trọn mọi oan khiên.
Khi mọi chuyện vẫn tỏ mờ trong cái vòng của nghìn năm không biết đâu mà lần, thì thiết tưởng, người nghệ sỹ như Tào Mạt, khi cầm bút viết về nhân cách của một vĩ nhân khả kính như thế, ông phải cấn cá lắm. Phải biết rằng, có những người ở thôn Đình Tổ phẫn uất, ném dém guốc lên tivi để phản đối việc vu cho Lê Văn Thịnh bán nước hại dân chứ?

Tại xã Đông Cứu hiện nay có hai địa điểm từ nhiều năm qua vẫn thờ ông Nghè Lê Văn Thịnh. Hiện nay, khách hành hương có thể chiêm bái cả tượng thờ, cả các di tích cổ kính, với tòa ngang dãy dọc, đồ thờ uy nghiêm liên quan đến Lê Văn Thịnh. Đó là Đền thờ Trạng nguyên Khai khoa Lê Văn Thịnh và di tích quốc gia Nghè Chi Nhị. Những công trình bề thế, khang trang, được sắc phong từ rất sớm (sớm nhất là năm 1853), được Bộ Văn hóa Thông tin Việt Nam xếp hạng di tích Quốc gia từ năm 2004. Hằng năm, dân làng vẫn rước tế ông Nghè - Thái sư Lê Văn Thịnh với cương vị một vị thành hoàng. Đặc biệt, bất kỳ ai có mặt ở cái nền nhà mà cậu học trò Lê Văn Thịnh từng dùi mài kinh sử (cùng cha mẹ), giờ là đền thờ ông, thì đều sửng sốt, ngỡ ngàng, riêng người viết bài này thì rùng mình tái mặt, lạnh xống lưng, khi bắt gặp một bức tượng đá trần gian có một! Tượng tạc một ngài rắn (rồng) lớn. Dữ tợn, quái đản, kỳ lạ, tạc bằng đá nguyên khối, chỉ nhìn lướt qua, có thể bạn sẽ phải ngồi thụp xuống vì sợ. Vì một ngọn gió oan khiên u tối nào đó tràn qua. Kiểu có một tiếng gầm lộng lộn “thiên nan vấn” (khó hỏi trời) nào đó của một người đã chết mà không thể nhắm mắt. Không thể siêu thoát. Nhất định, đó là bức tượng của sự oan khiên. Một công trình nghệ thuật chưa ai biết tác giả, một huyết thư ai cũng biết là do kẻ hàm oan nào đó đã viết, song chưa biết kẻ đó là ai. Là những ai đi nữa, thì trong số đó, phải có Lê Văn Thịnh và ông vua đã từng là học trò của Thái sư Lê Văn Thịnh. Nỗi oan chất chồng như núi, thấu mãi lên cao xanh, thấu đến muôn đời. Nỗi phẫn uất,tủi hờn, sự nhảy lầu, đâm đầu xuống giếng.

Đã từ lâu, người vùng Đông Cứu được cha anh truyền lại một lời nguyền. Rằng nếu vô tình mà có bới thấy vật gì ở khu vực “hóa gia vi tự” của Thái sư Lê Văn Thịnh thì phải đem đất đá mà chôn rấp xuống. Chứ nếu mà bới lên, thì kiểu gì cũng bị tai họa, người và súc vật, cỏ cây của cả làng cả tổng sẽ cằn lụi, chết chóc. Vài lần, bới được những mảnh vỡ của một kiến trúc nào đó, người dân đã thấy lời nguyền này ứng nghiệm (chắc bà con ‘tự kỷ ám thị” mà ra), họ sợ lắm. Đền thờ cổ kính, cổng vào xanh rêu, những cây cổ thụ trùm xòa bóng mát, đường lên đền dốc dác lắm. Đền nằm dưới chân núi Thiên Thai nổi tiếng (Nhìn lên trên núi Thiên thai/ Thấy đôi loan phượng ăn xoài bể đông - ca dao). Đỉnh gò, chỗ đường dẫn lên đền Trạng nguyên khai khoa có một bụi tre lớn.

Dù một phần thân thể đã bị chặt thành khúc, răng và nanh vuốt sắc như dao kiếm vẫn tiếp tục cấu xé để tự vẫn bằng mọi giá. Đó là xúc cảm tận cùng của sự oan khiên?

Ảnh Lãng Quân

Một hôm, một người già trong làng làm thủ nhang ở đền mới xới cỏ đường vào, lưỡi cuốc oằn lên, bởi vấp phải một cái gì cứng lắm. Càng bới, ông càng thấy lộ ra những khoang đá vân vi, đá đẽo hình từng cái vảy như vảy… tê tê. Ông già sợ hãi báo cho dân thôn, bà con kéo đến rất đông, họ tổng động viên cùng bới, vừa bới vừa xin cụ Nghè tha thứ, chúng con tự hào và hết lòng bao đời nay vì người, chứ có phá phách gì đâu. Cụ Nguyễn Đức Đam, hiện là thủ nhang của Đền thờ Lê Văn Thịnh cho biết: bấy giờ là vào năm 1993. Khi dùng đủ các tráng đinh trong xã, khi thuê cả kích, bẩy để khiêng được pho tượng đá nặng hơn 3 tấn lên mặt đất, ngó qua, từ trong mênh mông, bức tượng toát lên một nỗi rợn người khiến cả làng quỳ xuống lạy vì sợ. Một cụ rồng kỳ lạ.
15 năm qua, bao nhiêu nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đến thắp nhang, cũng chưa ai dám khẳng định họ đã từng gặp một pho tượng rồng nào tương tự. Nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng đặc biệt chú ý và tâm đắc với các giá trị “độc bản” của bức tượng “cụ rồng đá” này. Nhiều cuộc hội thảo lớn đã được tổ chức về chuyên đề pho tượng rồng kỳ lạ ở đền thờ Lê Văn Thịnh, nhưng cũng chưa một ai tỏ ra không ngạc nhiên vì pho tượng. Ông Lê Viết Nga, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh, người dày công nghiên cứu về pho tượng, thảng thốt: bức tượng rồng đá lớn và kỳ lạ nhất Đông Nam Á. Còn nhiều người đã từng chu du địa cầu nghiên cứu, thì nhất định: thế giới chưa bao giờ có pho tượng như vậy.

Tay phải xé từng khúc thân thể, tay trái cũng xé nửa còn lại của thân thể, rồi vật cả cái đuôi của mình như muốn xé toang, muốn dứt ra vứt bỏ. Bức tượng như nỗi dày vò của Thái sư Lê Văn Thịnh và vua Lý Nhân Tông sau nghi án Lê Văn Thịnh hóa hổ giết vua trên hồ Dâm Đàm?! Ảnh Lãng Quân
Tượng đá, tạc hình một cụ rồng (rắn) dữ tợn. Với chiều cao 0,8m; mỗi chiều dài rộng áng chừng khoảng hơn 1m, bức tượng đập vào mắt người xem rờ rỡ, lồ lộ, rất sinh động một nỗi oan khiên bất tận. Hàm răng cụ rồng to như lưỡi bừa. “Bộ nhá” sắc nhọn, tàn độc, phẫn uất của cụ rồng cắn phập vào chính thân cụ! Một sự điên dại, một sự trả thù đời, một sự hoang mang, hoảng loạn, mất niềm tin tột độ?! Răng cắn phập vào từng khúc thân để tàn sát thân mình; “tay chân” cụ rồng còn độc địa hơn, “chúng” cũng lởm chởm nanh vuốt, “chúng” vận công lực bẻ quặt cái đuôi mình lên phía trước để cào xé, muốn cắn đứt cái phần thân, phần đuôi đem vứt bỏ. Một tay thì bấu lấy khúc thân bên đối diện, vuốt sắc cắm phập, cảm tưởng cụ như một con gấu hung dữ đang vả vào một cây chuối hột sắp giật toang cho hả giận sau khi trúng đạn của thợ săn (xem chùm ảnh). Dân gian gọi rất hình tượng: bức tượng ông rồng “miệng cắn thân, chân xé mình”. Chỉ một nhát là tan xác để cụ rồng tự ăn thịt mình, tự đưa mình về cõi chết. Tư thế kéo xé thân mình, mắt trợn ngược, đầu gục ủ rũ, tai thông tai điếc, miệng há hoác, răng lởm chởm kinh sợ, “tay chân” đều 5 ngón sắc như dao kiếm, một phần thân đã biến mất đi đâu (giống như cụ rồng đang bị truy sát, đã trọng thương)… của cụ rồng, khi nhìn vào còn thấy kinh sợ hơn cả cái chết. Đó là một bức tượng cổ cực kỳ thành công ở góc độ nghệ thuật.
Anh Nguyễn Công Hảo, trưởng thôn Bảo Tháp, nơi có đền thờ Lê Văn Thịnh cho biết: bà con trong thôn cũng đã từng đào được một phần của bức tượng rồng đá kiểu như bức tượng “cụ rồng” đang thờ cúng, trưng bày mà bài viết này đề cập; nếu khai quật kỹ, nhất định sẽ tìm thấy. Dù thế nào, hai bức tượng sẽ là những di sản vô giá. Và, rõ ràng, bức tượng đã nói về nỗi oan khiên của Lê Văn Thịnh. Nhưng con người lỗi lạc bị trời đánh già ngứa ghẻ hờn ghen Lê Văn Thịnh đã nghĩ ra một ý tưởng bày tỏ sự oan khiên của mình với hậu thế thông qua bức tượng (ông cho tạc trước khi tạ thế)? Hay là người dân nơi đây, từ thượng cổ đã làm như vậy để bày tỏ nỗi buồn “vận khứ anh hùng ẩm hận đa” (thời vận qua, anh hùng nuốt hận) giúp Thái sư Thịnh? Hay chính vua Lý Nhân Tông đã tạc bức tượng để gửi gắm vào đó tâm sự của ông, rằng ông đã trở nên mù lòa nên mới giết chết một người tài, một người nặng lòng báo quốc an dân, một vị trạng nguyên, thái sư, chính là thầy dạy học của mình? Nhiều người đã tin vào giả thiết này, khi xem kỹ bức tượng (xem ảnh) rồng: một bên tai thông, một bên tai rồng đã mít đặc (điếc) vì nghe lời đường mật xiểm nịnh của kẻ bề tôi xấu nào đó mà giết Trạng nguyên khai khoa.



 (Còn nữa)
Ghi chép của Đỗ Lãng Quân

nguồn vietimes

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét