Ngày càng có nhiều người ao ước một lần được đến dầm lòng ở Lệ Chi Viên để… khóc. Đó là một sự thật không cần giải thích, là những xúc cảm tử tế của người đời dành cho tài ba và nhan sắc oan khiên. Tôi nghĩ, phải người ham đọc, ham hiểu và ưa sống nội tâm, có cái Tâm sâu thẳm lắm, thì người ta mới nảy ra cái ý định tìm về “hiện trường” của thảm án kinh hoàng đệ nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam xảy ra đã 566 năm trước kia. Chưa bao giờ ba chữ Lệ Chi Viên thôi nhỏ huyết, rơi lệ trong lòng người ta, kể từ khi xa giá vua Thái Tông đến Lệ Chi Viên (năm 1442) ngủ qua đêm và… ngài bị chết tại Vườn Vải của Nguyễn Trãi (để rồi Thị Lộ bị giết và Nguyễn Trãi bị tra tấn dã man đến chết, bị tru di tam tộc vì “tội” giết vua). Thời gian trôi lạnh lùng, không biết bao nhiêu giấy mực đã viết tốn, bao nhiêu nước mắt “liên tài” đã nhỏ xuống để khóc cho người anh hùng, danh nhân văn hóa tầm cỡ thế giới Nguyễn Trãi cùng mỹ nhân chữ nghĩa Nguyễn Thị Lộ. Thời gian dường như vẫn không làm nguôi ngoai nỗi oan xé ruột.
Trong khi cái chết của vua đã được lịch sử chứng minh là vì thủ đoạn của một người đàn bà “ngứa ghẻ hờn ghen” trong cái cung buông màn đa thê thiếp mà không biết quản lý triệt để của ông Lê Lợi; thì một mỹ nhân dạy vua học chữ, học làm người, cảm hóa cả ông vua nhỏ tuổi ham chơi bướng bỉnh thành “đấng minh quân” (như sử sách hằng ca ngợi); một người từng giúp việc văn bút đắc lực cho Nguyễn Trãi và Lê Lợi trong những ngày nằm gai nếm mật bôn tẩu đánh giặc Minh như Thị Lộ đã bị giết bằng thủ đoạn tàn độc nhất; một bậc đại tài đại đức như vằng vặc sao Khuê Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc… Họ đã chết bởi cái người ta “nghi là” họ đã giết vua”. Nhiều người quá căm phẫn, đã gọi bi kịch của Nguyễn Trãi và Thị Lộ là bi kịch của những anh hùng và mỹ nhân quá tuyệt (vĩ nhân) mà vẫn phải sống trong cái không gian - xã hội quá chật hẹp, nhỏ bé của xã hội phong kiến đương thời, nơi mà thói ti tiện trùm lướt tất cả. Trong nhiều tài liệu mà chúng tôi sưu tầm được, đều có dẫn lời của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói về nỗi oan Lệ Chi Viên, như sau: “Tội ác này lá rừng Việt không đủ để ghi/ Vết nhơ đó nước biển Đông không đủ để rửa”. Đến nỗi, trước tượng Nguyễn Trãi, chỉ một phút suy tưởng, bạn đã có thể nhỏ lệ vì đau đớn.
Toàn cảnh khu công trình thờ tự đang xây dựng để tưởng nhớ Nguyễn Trãi, Thị Lộ tại Lệ Chi Viên (Gia Bình, Bắc Ninh)
Một ngày nắng nỏ. Nhà văn Hoàng Giá làm hướng đạo, chúng tôi đi dọc đê sông Đuống. Con sông bé nhỏ, ngắn ngủn mà kỳ lạ, đôi bờ cổ tích quá, với rặt những tre pheo và tằm tang canh cửi. Ít nhất 3 vụ án oan khổng lồ chỉ trong một đoạn ngắn. Sau tiếng thét ai oán gầm trời của Trạng khai khoa Lê Văn Thịnh, dăm phút khách hành hương đưa ra lời bình với nhau, thì đã đến thảm án Lệ Chi Viên (xã Đại Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh). Đi một khúc nữa, lại là lăng mộ và đền thờ Cao Lỗ Vương, lại một án oan, một cái chết buồn bã vì ông Vua “tăm tối” An Dương Vương đã nghe lời Trọng Thủy mà phế bỏ trung thần (chuyện sẽ kể ở phần sau).
Cách thị trấn huyện Gia Bình vài cây số, cũng vẫn là dưới chân núi Thiên Thai “có đôi loan phượng ăn xoài bể Đông”, Lệ Chi Viên hiện ra thật giản dị. Nằm ngay sát đê sông Đuống, Lệ Chi Viên giờ là xóm làng, là nương lúa bạt ngàn xanh, là những ngôi miếu cổ phong rêu. Đường đã bê tông, nhà cửa đã chóp củ hành củ tỏi, cột điện giăng hết cả mọi tầm nhìn. Sông kia rày đã nên đồi. Gần 6 thế kỷ trôi qua, sông Đuống đã đỏng đảnh lượn dòng vì con đê tàn nhẫn, con đê sừng sững đã làm thay đổi tất cả. Những rừng vải hoang vu đặc trưng của Lệ Chi Viên (tục gọi là Vườn Vải) giờ không còn đến một cây. “Sông kia rày đã nên đồng/ chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai” là thế này đây. Vật đổi sao dời, bãi biển biến thành nương dâu. Nhưng, trong lòng người dân nơi đây, và trong lòng nhiều nhà văn hóa, nhà sử học, những người yêu chữ nghĩa, sử liệu, thì án oan Lệ Chi Viên vẫn ngùn ngụt “bốc khói” đó đây. Bằng chứng là nhà thờ - tưởng niệm Nguyễn Trãi và Thị Lộ đã được xây dựng bằng nhiều trăm triệu đồng, tượng của anh hùng và mỹ nhân nức tiếng cũng được dựng uy nghi, khu “du lịch Lê Chi Viên” đã được xã bản địa đưa vào nghị quyết. Nhiều cấp ngành thường xuyên quan tâm đến thực trạng ở di tích nổi tiếng Lệ Chi Viên. Có một câu chuyện thế này: rất nhiều tổ chức cá nhân ở Thái Bình (quê bà Thị Lộ) và ở Hà Tây (quê Nguyễn Trãi) đã “cung tiến” hàng nghìn hàng vạn cây vải về xã Đại Lai (nơi có Lệ Chi Viên) những mong khôi phục Vườn Vải. Vườn Vải sẽ đưa chúng ta và con em chúng ta được về nguồn. Nỗi đau, chẳng ai muốn, nhưng đôi khi nó cũng làm người ta vin vào đó mà lớn lên?!
Đại Lai có 4 thôn, thì đủ 3 thôn nằm giáp sông Đuống. Các “địa danh” như Màn Tiên, Màn Đông, Lửa Đền, Cầu Táo, Bến Trám… dường như vẫn vẹn nguyên cái không khí thời Nguyễn Trãi và Thị Lộ còn vui vầy với “thái ấp” ven sông. Bấy giờ, Lệ Chi Viên còn tràn ngập cây vải (nên gọi là Trại Vải, Vườn Vải). Sông Đuống tràn vào tận các mép vườn vải, để thuyền rồng nhà vua có thể ghé bến tuần du từ sông Đuống vào Lệ Chi Viên. Nay, tượng ông Nguyễn Trãi đội mũ cánh chuồn, tay cầm cuốn thư, tay vuốt râu thanh thản; nay, bà Thị Lộ tay nhón cầm bút lông, mặt tròn nhân hậu, sáng lồng lộng như trăng rằm… trên ban thờ. Nay không thể hình dung được nơi nào có con rắn báo mộng, nơi nào vua đã nằm rồi chết vì cảm cúm, vì bị đầu độc? Những người hầu cận của vua vào các xóm làng tìm thuốc thang cứu vua (khi ngự y chưa đến), là những xóm nào? Hôm ấy, vua ngủ ở đâu? Bà Thị Lộ ngủ ở đâu? Sao để đến nỗi sự đời vu cho bà Lộ thông dâm với ông vua chỉ bằng tuổi con mình? Sao đến cảnh người ta vu cho vợ chồng Nguyễn Trãi giết vua?
Hình như đến Lệ Chi Viên cũng đặt những câu hỏi đó. Chán cái cảnh giả nhời khách, nhóm cán bộ xã dẫn ra “hiện trường” vụ án thảm sầu trong cái đêm vĩnh viễn bí ẩn và ai oán mà nhà vua đã băng hà tại xã nhà kia rồi cứ thế kể chuyện. Rằng thỉnh thoảng lại có ông nhà văn, ông nhà viết kịch về tặng sách, tặng kịch cho những dân thôn Đại Lai yêu văn hóa, sẵn sàng cung cấp tư liệu, sử liệu, cảm nhận cho các nhà nghiên cứu khi họ tìm về với Lệ Chi Viên. Có ông cãi “trắng án” cho Thị Lộ, có ông chứng minh sự vô tội của Nguyễn Trãi. Có ông đòi cung tiến đường làm trên đê, cung tiến hàng nghìn cây vải để tái hiện Trại Vải oan khiên xưa; có ông vác máy rà đi đào trộm cổ vật ở các nền di tích, bị công an xã tóm cổ. Có ông từ mấy thập niên trước đã về Lệ Chi Viên tìm hiểu về hệ thống di tích, về huyền sử dân gian, rồi ông ta vẽ cả bản đồ di tích (trên mặt đất và đã bị chôn vùi), vẽ kỹ đến mức có lần công an tóm được mấy chú đào trộm cổ vật, khám trong người thấy cả sơ đồ di tích do nhà khoa học đã “dựng” (chúng căn cứ theo “hướng dẫn” mà cứ thế đào!...
Tượng đồng danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi và mỹ nhân tài sắc vẹn toàn Nguyễn Thị Lộ đang được xây dựng tại Lệ Chi Viên.
Từ hồi còn là học sinh, thế hệ chúng tôi đã được học bài đối đáp tương truyền là của Nguyễn Trãi (1380 - 1442) và Thị Lộ. Bấy giờ, 26 tuổi, đi làm quan cho nhà Hồ, Nguyễn Trãi tuần du qua xứ Thái Bình (ngày nay), gặp cô gái quá đẹp, mới tung lời “tán tỉnh”:
Ả ở đâu mà bán chiếu gon,
Chẳng hay chiếu bán hết hay còn?
Xuân xanh nay độ bao nhiêu tuổi?
Đã có chồng chưa được mấy con?
Không ngờ “cao nhân tắc hữu cao nhân trị”, cô gái đọc ngay lập tức:
Tôi ở Tây - hồ bán chiếu gon,
Cớ chi ông hỏi hết hay còn?
Xuân xanh tuồi độ vừa đôi tám,
Chồng còn chưa có, hỏi chi con!
Người tài chữ nghĩa ấy là Thị Lộ. Lấy nhau, Nguyễn Trãi và Thị Lộ không có con.
Sau khi thi đỗ, năm 1400, Nguyễn Trãi ra làm quan nhà Hồ, chức Chánh Chưởng đài Ngự sử. Năm 1402, Nguyễn Phi Khanh, cha đẻ Nguyễn Trãi sau thời gian dạy học ở Nhị Khê cũng ra làm quan nhà Hồ, chức Hàn Lâm học sỹ. Khi quân Minh mượn cớ “Phù Trần diệt Hồ”, Hồ Quý Ly bại trận. Nguyễn Phi Khanh bị bắt giải về Trung Quốc, Nguyễn Trãi theo cha sang tận điếm Vạn Sơn, tỉnh Hồ Bắc rồi mới nghe theo lời khuyên của cha, hãy trở về “rửa nhục nhà, trả nợ nước”. Nguyễn Trãi để em trai là Phi Hùng tiếp tục theo chăm sóc cha.
Không biết mối duyên giữa Nguyễn Trãi với Thị Lộ rành mạch ra sao, chỉ biết là, ngay cả khi Nguyễn Trai “dợm đi vướng núi ngoảnh về vướng sông” giữa cái thời tao loạn khó vẹn toàn khí tiết ấy mà theo Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa, thì Thị Lộ vẫn luôn ở bên người Anh hùng. Mãi đến khoảng 1416/1417, có tin Lê Lợi ở Thanh Hóa chuẩn bị mộ quân đánh giặc Minh, Nguyễn Trãi và em họ, Trần Nguyên Hãn, đến diện kiến Lê Lợi. Nhưng Trần Nguyên Hãn nhìn vào Lê Lợi, thấy "có tướng như Việt vương Câu Tiễn, chỉ có thể giúp trong lúc hoạn nạn, không thể ở với nhau khi sung sướng", nên cả hai bỏ ra về. Trong chuyến này có Thị Lộ cùng đi, phong cách lúc nào cũng tươi cười, nhẫn nại, hoạt bát, đoan chính, được mọi người kính nể (lược theo Đại Việt thông sử của Lê Quí Đôn, chép lại trong Việt Sử đại cương của Phạm Ngọc Huyến, trang 75). Việc chữ nghĩa, và cả quân cơ của Nguyễn Trãi đã có “quân sư”, “thư ký” Thị Lộ giúp đỡ rất nhiều, ngay cả việc thảo thư từ, chiếu hịch.
Có một việc thế này, có lẽ lịch sử thật khó để quên được công lao của bà Thị Lộ. Khi Lê Lợi mất, năm 1433, Lê Thái Tông kế ngôi khi mới 10 tuổi. Theo di mệnh của Lê Lợi, phải vời Nguyễn Trãi ra phụ chính, làm Gián nghị đại phu. Lê Sát làm quan Tư đồ. Sách Toàn thư tục biên chép rõ: vì thấy Thái Tông còn nhỏ tuổi, thích chơi bời, không chịu học hành, Lê Sát lo lắm, mới thành lập một cái ban văn thần có Nguyễn Trãi tham gia, nhằm vào cung dạy dỗ vua. Thái Tông nổi giận đuổi cả bọn văn thần… về; riêng Lê Sát, sau bị khép tội lộng quyền, và bị ép tự tử tại gia. Sau này, nhiều người tâm huyết lo toan, vua ham chơi, “bất trị” thế, lại giết cả Quan Tư đồ, chỉ vì ông Tư đồ muốn được dạy vua học. Phải làm sao để lo cho “vua thơ ấu” và nước nhà dưới bàn tay của vua nhỏ tuổi? Những người có trách nhiệm mới chọn mặt gửi vàng đưa bà Thị Lộ văn hay chữ tốt, lại dịu dàng, thông minh, ứng xử biết nhẽ vào triều dạy vua. Quả nhiên, ông vua cứng đầu cứng cổ đã răm rắp nghe lời Thị Lộ, lại còn phong bà làm Lễ Nghi học sỹ, ngày đêm kề cận tin dùng. Sau này, khi Thái Tông đã 17 - 18 tuổi, vua và bà Thị Lộ vẫn kề cận trong cung, điều này đã khiến có nhiều “dư luận” cho rằng có việc tư thông giữa bà Thị Lộ và nhà vua. Rất nhiều ý kiến bác bỏ điều này, bởi rõ ràng, Thị Lộ là cùng thế hệ với mẹ đẻ của vua Thái Tông. Theo truyền thuyết, mẹ của vua Thái Tông đã theo Lê Lợi lúc còn “ở rừng kháng chiến”. Một hôm, vì nằm mơ thấy Thần Cá Quả dưới sông hồ ngoi lên xin Lê Lợi gả cho một thần thiếp thì sẽ phù trợ cho vương nghiệp của người anh hùng áo vải (đánh được giặc Minh, dựng được nghiệp đế). Lê Lợi hỏi ý kiến những người vợ, ý là nếu ai trẫm mình làm vợ Thần Cá Quả thì sau này con người đó sẽ được kế vị Lê Lợ làm vua. Thị Lộ bấy giờ cũng đã là vợ Nguyễn Trãi, cũng theo Lê Lợi và mẹ của Thái Tông trong những ngày đó. Một nguồn sử liệu đáng tin cậy viết rõ: Ngày 24 tháng 3 âm lịch 1425, (Lê Lợi) sai lập đàn tế thần, dâng bà phi họ Phạm làm tế vật. Bà phi mặc áo quần lộng lẫy, bịt mắt lại, lên ngồi trên chiếc thuyền nan bằng giấy. Thuyền được thả theo dòng sông Lam và chìm dần dần, trong tiếng nhị, tiếng sáo điệu Nam Ai sầu não, cùng trong tiếng khóc nức nở của các phi tần và của Nguyễn Thị Lộ, thiếp của Nguyễn Trãi. Về sau, giữ lời ước ấy, Lê Lợi truyền ngôi cho Nguyên Long (tức là vua Lê Thái Tông) – khi ông này mới chỉ 10 tuổi.
Một bệ miếu thờ cổ kính nằm ở ngay khu vực đã xảy ra thảm án Lệ Chi Viên.
Dù sự thật thế nào, thì có một sự thật không thể phủ nhận: là Thị Lộ tài hoa cải biến một “hôn quân” hơn 10 tuổi đầu không ai bảo ban được thành một “minh quân”. Cái lợi cho cả đất nước là quá lớn. Nhiều sử gia cho rằng, Nguyễn Trãi đại tài đại đức quá hiểu điều đó, ông đã bỏ việc nhỏ (bị đôi điều dị nghị) để mưu cầu việc lớn hơn cho dân cho nước (biến con của Lê Thái Tổ thành “minh quân”).
Đến đời Lê Thánh Tông (1460-1497), Nguyễn Trãi đã được tẩy oan và truy phong chức Đặc tiến kim tử Vinh Lộc đại phu. Người con duy nhất trốn thoát (sau thảm họa tru di tam tộc vì bị khép vào tội “giết vua”) của Nguyễn Trãi là Nguyễn Anh Vũ được bổ làm tri huyện, đồng thời vua cấp cho họ Nguyễn một trăm mẫu ruộng để lo việc thờ cúng. Tuy nhiên dấu hỏi lớn: ai đã giết Thái Tông vẫn còn bỏ đó. Vì sao? Vì chính Nguyễn Thị Anh đã ngầm sai người bỏ thuốc độc cho Thái Tông chết, nói ra thì xấu chàng hổ ai. Mà Nguyễn Thị Anh chính là vợ của Lê Thái Tông.
Chuyện giết vua, âm mưu giết Thái Tông được lịch sử “minh định” lại rất rõ ràng, chi tiết, như sau: Bà phi Nguyễn Thị Anh (vợ Lê Thái Tông), sinh ra Bang Cơ được phong làm thái tử. Đùng một cái, bà phi nữa của vua Lê Thái Tông là bà Ngọc Dao lại có chửa. Mà chửa sắp đẻ ra người nhà giời hẳn hoi, bởi bà này nó là bà mơ thấy Ngọc Hoàng sai một vị tiên xuống đầu thai vào… bụng mình. Bà Thị Anh bắt đầu lo đứa con trong bụng bà Ngọc Dao sẽ chiếm ngôi của thái tử con mình. Bà Thị Anh bèn lập mưu xui vua khép bà Ngọc Dao vào tội bùa ngải, sẽ bị voi dày. Thị Lộ và Nguyễn Trãi vốn nhân từ mới bèn tìm cách cứu bà Ngọc Dao đem đi cho sinh nở mẹ tròn con vuông ở Quảng Ninh ngày nay. Đứa con ấy chính là Lê Thánh Tông sau này. Mối thù này, sau khi vua Thái Tông chết, khiến bà Thị Anh đã được dịp “rửa”, bằng cách vu cho nguyễn Trãi và Thị Lộ giết vua, cảnh tàn sát đẫm máu đã diễn ra. Những “tin đồn” kiểu Nguyễn Trãi cùng học trò dọn vườn có làm vỡ ổ của mẹ con con rắn trắng, sau này nó hóa thành Thị Lộ để rích rắc làm cho ba họ nhà Nguyễn Trãi bị tru di, đó chỉ là cách “tuyên truyền” của vua chúa phong kiến dạng hôn quân bạo chúa thời cũ, nhằm lấp liếm sự ngu muội và vô đạo của họ.
Nỗi oan của Nguyễn Trãi và Thị Lộ, đúng là nước bể Đông, nước thời gian mấy trăm năm cũng không thể gột cho nguôi ngoai được chút nào.
Bên bờ sông Đuống (gần Lệ Chi Viên):
Cha đẻ “Nỏ Thần An Dương Vương” cũng được “rửa” nỗi oan bằng… mạng sống!
Cũng ở khúc sông Đuống mà chúng ta đang xuôi dòng, còn có đền thờ Cao Lỗ Vương. Một di tích quý, một thắng cảnh đẹp. Và cũng là một nỗi oan khuất, buồn bã, buồn như cái mối tình Lông Ngỗng của nàng Mỵ Châu “Trái tim lầm lỡ để trên đầu/ Nỏ thần sơ ý trao tay giặc/ Nên nỗi cơ đồ đắm bể sâu”. Sách cũ, xin phép các tác giả được trích nguyên văn từng câu chữ (bởi tất cả đều đã là… truyền thuyết, có viết thế, viết mãi thì vẫn thế!):
Cao Lỗ là người sáng chế ra nỏ liên châu (nỏ thần): bắn một lần được nhiều phát mà các mũi tên đều bịt đồng sắc nhọn. Sử sách cũ đã thần thánh hóa gọi là: "Linh Quang Thần Cơ". Sách Lĩnh Nam chích quái chép rằng: Cứ đem nỏ ra chĩa vào quân giặc là chúng không dám đến gần.
Cao Lỗ huấn luyện cho hàng vạn binh sỹ ngày đêm tập bắn nỏ. Vua An Dương Vương thường xem tập bắn trên "Ngự xa đài", dấu vết này nay vẫn còn (góc đông bắc ngoài thành nội).
Là người phát minh ra nỏ thần, lại có tài bắn nỏ nên dân gian thường gọi ông là Ông Nỏ.
Khi Triệu Đà cho quân xâm lược Âu Lạc, chúng đã bị các tay nỏ liên châu bắn tên ra như mưa, thây chết đầy nội và phải lui binh. Đương thời, nỏ liên châu trở thành thứ vũ khí thần dũng vô địch của nước Âu Lạc.
Triệu Đà bèn lập xảo kế thông gia cho con trai là Trọng Thủy lấy con gái An Dương Vương là Mỵ Châu. Cao Lỗ phản đối, khuyên vua không nên nhận, nhưng An Dương Vương không nghe còn nghe lời dèm pha của Lạc hầu. Cao Lỗ dần dần bị vua xa lánh, ông bỏ đi nơi ở ẩn.
Khi Trọng Thủy biết được bí mật phòng thủ của An Dương Vương về mách cho vua cha, Triệu Đà mang quân sang đánh Âu Lạc. An Dương Vương thua chạy. Quân Triệu đuổi theo. Cao Lỗ biết tin, ra đón đường chặn đánh quân Triệu cho vua chạy thoát và ông đã tử trận.
(Theo sách sử)
Bài và ảnh: Đỗ Lãng Quân
(nguồn vietimes)